Điều khoản sử dụng

Chuyển đổi ổn định, an toàn, thông suốt và đảm bảo quyền lợi của chủ thẻ, hướng tới mục tiêu chuyển đổi toàn bộ thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa bằng công nghệ chip an toàn, bảo mật, đa tiện ích, đa ứng dụng cho mọi người dân Việt Nam.

​​​

Hà Nội, ngày 28/05/2019 – Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA) phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 7 ngân hàng đầu tiên gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, TPBank, ABBank chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ chip nội địa của các ngân hàng.

Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ngày 05/10/2018, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa; trong đó quy định chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa tại Việt Nam theo công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc, tương thích với chuẩn EMV của quốc tế. Tiếp đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 quy định về lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng sang thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa; theo đó, lộ trình chuyển đổi đối với tổ chức thanh toán thẻ là đến ngày 31/12/2020 và đối với tổ chức phát hành thẻ là ngày 31/12/2021

Thẻ chip nội địa đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo Tiêu chuẩn quốc tế EMV, hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng; làm nền tảng quan trọng để tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ cũng như phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông, bảo hiểm và các dịch công. Việc sử dụng thanh toán bằng thẻ chip nội địa với công nghệ không tiếp xúc cho các giao dịch giá trị nhỏ sẽ mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng khi chỉ cần thực hiện 1 thao tác chạm thẻ vào máy POS là có thể hoàn thành giao dịch. Các ngân hàng phát hành sẽ quy định ngưỡng giá trị thanh toán không cần xác thực khách hàng dành cho các giao dịch giá trị nhỏ.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: "Việc chuyển đổi thẻ chip nội địa là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip. Do vậy, Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng, Napas và đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa theo đúng lộ trình NHNN đã ban hành. Công tác chuyển đổi phải đảm bảo hoạt động thẻ vẫn diễn ra liên tục, ổn định và an toàn; đồng thời, cần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng chủ thẻ trong quá trình thực hiện chuyển đổi."

Hiện Việt Nam có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM; trong đó phần lớn POS đã tuân theo Tiêu chuẩn EMV nên việc triển khai thẻ chip nội địa trên các thiết bị chấp nhận thẻ sẽ không quá phức tạp. Theo kế hoạch đặt ra, đến 31/12/2019, các ngân hàng thương mại thực hiện chuyển đổi ít nhất 30% số lượng thẻ từ nội địa, 35% số lượng ATM và 50% số lượng POS hiện có sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Toàn bộ máy ATM và POS trên thị trường đảm bảo tuân thủ Tiêu chuẩn VCCS vào 31/12/2020. Chậm nhất vào 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ TCCS về thẻ chip nội.

Đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu trước mắt, Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Napas cho biết: "Về phía Napas, chúng tôi đã sẵn sàng nguồn lực về nhân sự và công nghệ để hỗ trợ các ngân hàng còn lại thực hiện việc nâng cấp hệ thống phát hành, thanh toán thẻ chip nội địa. Napas đang nghiên cứu việc hợp tác với các tổ chức thẻ quốc tế để cùng với các ngân hàng Việt Nam phát hành ra thị trường thẻ đồng thương hiệu (co-badge) giữa thẻ chip nội địa và thẻ chip quốc tế, cho phép khách hàng sở hữu chiếc thẻ này sử dụng thuận tiện cả trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong công tác chuyển đổi, hướng tới mục tiêu chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình của NHNN, Napas đã triển khai chính sách giảm phí dịch vụ chuyển mạch lên đến 80% (tùy theo loại giao dịch) cho các ngân hàng hoàn thành các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi thẻ từ sang theo tiêu chuẩn thẻ chip nội địa từ 1/5/2019"

Trao đổi tại sự kiện, Hội thẻ ngân hàng Việt nam và lãnh đạo của 07 ngân hàng đầu tiên triển khai phát hành và thanh toán thẻ chip nội địa cam kết tiếp tục nỗ lực hoàn thành công tác chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình đặt ra của NHNN. Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa sẽ không ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng. Tuy nhiên, phát sinh chi phí chuyển đổi cũng là một vấn đề với các ngân hàng, đặc biệt đối với các ngân hàng có số lượng thẻ lớn nhưng các ngân hàng về cơ bản sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi phí chuyển đổi đặc biệt cho các chủ thẻ hiện tại, xem xét việc thu phí phát hành thẻ mới theo từng giai đoạn. Các ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng thời gian phát hành thẻ mới, quy trình và thủ tục đăng ký phát hành thẻ mới cũng như các chính sách liên quan (nếu có) theo quy định pháp luật.

Lần đầu tiên thị trường thanh toán Việt Nam triển khai áp dụng một tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất tương thích với tiêu chuẩn quốc tế EMV, khẳng định tính tự chủ và ứng dụng kịp thời những thành tựu tiến bộ của CMCN 4.0 trong hoạt động thanh toán của ngành ngân hàng; giúp cho các giao dịch thanh toán an toàn, bảo mật hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng phát triển tính năng thanh toán mới, hiện đại cho sản phẩm thẻ nội địa; mở ra cơ hội để thẻ nội địa tham gia hội nhập quốc tế.


BOX THÔNG TIN

Bộ Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa (Vietnam Chip Card Specifications – VCCS)

Bộ Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa bao gồm các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ tiếp xúc và không tiếp xúc, tương thích với tiêu chuẩn quốc tế EMV nên sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng thực hiện chuyển đổi hiệu quả do kế thừa lại hạ tầng phát hành và chấp nhận thẻ quốc tế hiện đã tương thích với EMV hiện có. Các ngân hàng có thể lựa chọn triển khai chuyển đổi thẻ giao tiếp kép (hỗ trợ cả tiếp xúc và không tiếp xúc) ngay trong giai đoạn đầu tiên, giảm bớt một bước chuyển đổi theo lộ trình từ thẻ chip tiếp xúc sang thẻ chip không tiếp xúc như bài học kinh nghiệm từ các nước khác.

Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa là một nền tảng cơ bản để số hoá thông tin thẻ lên thiết bị di động, tiến đến cho phép người dùng sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán. Tương lai thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán "chạm", khách hàng chỉ cần chạm thẻ hoặc điện thoại vào thiết bị chấp nhận POS để hoàn thành giao dịch thanh toán.

Tính năng vượt trội của thẻ chip nội địa

  • An toàn và bảo mật

Sử dụng vi mạch chip để lưu giữ thông tin thẻ thay vì lưu trên dải từ, giảm thiểu các giao dịch giả mạo, gian lận do chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ. Mỗi giao dịch sẽ có một mã xác thực riêng, đảm bảo không lấy cắp dữ liệu để giả mạo được giao dịch thẻ.

  • Tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng

    Thanh toán không tiếp xúc, "tap & go"- "chạm và đi" cùng với việc cho phép thanh toán không xác thực người dùng với giao dịch giá trị nhỏ của thẻ chip không tiếp xúc sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch thanh toán, tiện lợi hơn thanh toán bằng tiền mặt.
  • Đa tiện ích, đa ứng dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt

Thẻ chip nội địa có thể tích hợp các ứng dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với các ngành khác như giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục và dịch vụ công. Đặc biệt, thẻ chip nội địa thiết kế tối ưu để ứng dụng thanh toán trong giao thông với tốc độ hoàn thành giao dịch thông thường 150-200mns, đáp ứng tiêu chuẩn thanh toán trong giao thông công cộng (dưới 300mns).​


Tin tức liên quan

Cổng thông tin Napas Dành cho nhà phát triển Chương trình marketing
null