Điều khoản sử dụng

​“Hơn cả một lớp học - đó là niềm hy vọng và tương lai cho những em nhỏ ở những bản vùng cao biên giới xa xôi và còn đầy những khó khăn, vất vả để nuôi giấc mơ con chữ trên mây".

NAPAS đã, đang và sẽ cùng nhau hành động, tạo nên điều mơ ước đó. Khi chúng tôi đoàn kết cùng nhau, cùng chung tay chia sẻ, không có gì là không thể.”

Đó là chia sẻ của ông Phạm Tiến Dũng - Bí thư đảng bộ, Chủ tịch HĐQT, trưởng đoàn công tác thiện nguyện của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam – NAPAS (trước đây là Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài Chính Quốc gia Việt Nam) trên chuyến hành trình đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho giáo viên, học sinh 2 trường: Tiểu học Vừ A Dính, xã Dào San và Trường mầm non Sỉ Lở Lầu, xã Lao Chải thuộc huyện Phong Thổ Lai Châu trong 3 ngày từ 3 -5/4/2016.  

Nằm trong chuỗi các hoạt động xã hội thường niên của công ty, với mục đích chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Đoàn thanh niên NAPAS đã phát động chương trình “hi vọng và tương lai của trẻ em vùng cao biên giới” được toàn thể cán bộ công nhân viên trong toàn công ty hưởng ứng nhiệt tình, với tổng số tiền quyên góp, ủng hộ lên đến 220 triệu đồng.

Theo đó, NAPAS đề xuất hỗ trợ các nhà trường xây dựng 2 phòng học mới cùng trang thiết bị học tập, xóa bỏ tình trạng lớp học tạm tại điểm trường Dềnh Sang – Tiểu học Vừ A Dính và điểm trường Lao Chải – mầm non Sỉ Lở Lẩu, đồng thời trao tặng hơn 700 suất quà, 05 suất học bổng khuyến học cho 5 học sinh tiểu học và mầm non có hoàn cảnh khó khăn của 2 trường kể trên. Đại diện đoàn trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng Sỉ Lở Lầu và Dào San, mong các anh có sức khỏe, tăng thêm sức mạnh lòng tin, bảo vệ vững chắc vùng phên dậu của tổ quốc.

“Tiểu học Vừ A Dính có 23 lớp học từ khối 1 đến khối 5 với tổng số 434 học sinh, hầu hết các em đều là con em người dân tộc Mông và Dao, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập chủ  yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Các em biết tiếng Kinh rất ít, cuộc sống hàng ngày của các em phải quẩn quanh với bao nhiêu việc lớn nhỏ, từ đi chăn trâu, cắt cỏ, lấy củi, thồ nước, trông em... Công việc hàng ngày đã khiến các em không còn được vô tư như những bạn cùng trang lứa ở dưới xuôi hay thành phố. Niềm vui đến trường thì mỗi ngày một mong manh bởi việc đi học sẽ gián đoạn bất cứ lúc nào, nên việc động viên khuyến khích, tạo điều kiện các em đến trường là một nỗ lực rất lớn của nhà trường” Cô Bích Hòa – Hiệu trưởng Trường tiểu học Vừ A Dính cho biết.

Tiểu học Vừ A Dính còn có 4 điểm trường lẻ cắm trong các bản làng để thuận tiện cho việc dạy và học, trong đó điểm trường xa nhất cách trường chính 18km, giáo viên nới đây vẫn thường nói vui với nhau “đi xe máy trên này tốc độ cũng không hơn đi bộ là bao”. Thường điểm trường nọ sang điểm trường kia là nửa ngày đường xe máy với trời không mưa. Trời mưa thì nhân thời gian lên gấp đôi. Bản thân Dềnh Sang là một điểm trường lẻ khó khăn trong địa bản, vị trí nằm trên dốc núi cao, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học còn nhiều thiếu thốn. Khối tiểu học của điểm trường Dềnh Sang đã từng nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng nên có được phòng học khá hơn một chút. Riêng lớp mầm non vẫn phải sử dụng phên nứa ráp lại làm lớp học tạm hàng ngày.

Là một thành viên tích cực, nhiều năm liền đồng hành cùng với hoạt động thiện nguyện do Đoàn thanh niên NAPAS tổ chức – Anh Đặng Thành Tuân chia sẻ: “Tôi đã thực sự xúc động khi nhìn thấy ánh mắt trong veo của các cháu, ánh mắt bừng sáng hơn khi nhận những món quà nhỏ ấm áp từ tấm lòng của các cô chú, những tâm hồn non nớt chưa thể cảm nhận được niềm hạnh phúc khi nay mai sẽ có lớp học khang trang được dựng lên, nhưng ngay lúc này tình yêu thương, sự sẻ chia là thứ tình cảm mà các cháu có thể cảm nhận được, tôi tin như vậy. Những ánh mắt nơi vùng biên đã tạo thêm động lực cho tôi trong cuộc sống, khiến cho tôi cần phấn đấu nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn nữa những gì mình đang có với những người gặp khó khăn cần sự giúp đỡ”

Điểm đến thứ 2 trong chuyến hành trình của NAPAS là Sỉ Lở Lầu, theo tên gọi của đồng bào Dao đỏ nghĩa là “12 tầng dốc”,  nằm ở độ cao so với mặt nước biển khoảng 2.000 m. Sỉ Lở Lẩu là xã sát gần đường biên giới với Trung Quốc nhất nên địa bàn này tương đối phức tạp. Trường mầm non Sỉ Lở Lầu cách xã Dào San 45 – 50km, tương đương với khoảng 2 tiếng di chuyển bằng ôtô trên những cung đường nhỏ, hẹp và một bên là núi, một bên là vực, đầy hiểm trở bất trắc. Trường có 253 học sinh chia thành 12 lớp, độ tuổi từ 3-5 tuổi, 100% là dân tộc Dao. Điểm lẻ Lao Chải cách trường chính 8km đi xe máy, điểm lẻ này hiện vẫn còn tồn tại lớp học được dân bản dựng lên bằng những ván gỗ hở tuếch hở toác, vách đất nứt nẻ, sàn đất gồ ghề, gió lùa rét căm căm mùa đông, nắng soi qua đầu mùa hạ.

Cô Phạm Bạch Ngọc – Hiệu trưởng, Trường mần non Sỉ Lở Lầu chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng trân trọng sự giúp đỡ kịp thời của đoàn thiện nguyện NAPAS. Nhờ có những hỗ trợ đáng quý này, điểm trường Lao Chải đã có thể xóa bỏ hoàn toàn tình trạng lớp học tạm, khuyến khích giáo viên vùng cao thêm vững bước cắm lớp cắm bản, tiếp tục gieo con chữ lớn khôn, và các em học sinh thêm nỗ lực học tập, nuôi dưỡng ước mơ thay đổi cuộc sống”.

Dự kiến 2 lớp học tại xã Phong Thổ, Lai Châu xây dựng bằng nguồn kinh phí tình nguyện đóng góp chung tay của tập thể cán bộ nhân viên NAPAS sẽ được khẩn trương thi công, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong tháng 5/2016.

GIỚI THIỆU VỀ NAPAS

Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam được thành lập từ năm 2004, thực hiện sáp nhập doanh nghiệp với Công ty CP Dịch vụ thẻ Smartlink vào tháng 4/2015 và được đổi tên thành Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) kể từ ngày 4/2/2016. Với sứ mệnh hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, NAPAS là đơn vị trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. Cổ đông chính của NAPAS gồm Ngân hàng nhà nước và 15 Ngân hàng thương mại Việt Nam.

Qua 7 năm hành trình vì Cộng đồng, NAPAS đã thực hiện được một số công trình thanh niên tiêu biểu như xây dựng phòng học mới, đưa điện về lớp học, đầu tư tủ sách khuyến học khuyến khích văn hóa đọc, đầu tư sân trường sạch đẹp, tặng các thiết bị thiết yếu cho các nhà trường như bàn ghế, ghế nhựa, ô che sân trường và hàng nghìn quà tặng là sách vở, bút viết, quần áo ấm, lương thực thực phẩm, dép nhựa v.v… cho trẻ em vùng cao, biên giới của các tỉnh miền núi Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng,Yên Bái và Lai Châu. NAPAS hy vọng với nỗ lực của một tập thể đoàn kết, cùng với chính quyền địa phương, Công ty đã đang và sẽ góp phần chia sẻ khó khăn với trẻ em dân tộc và giáo viên miền núi.

"NAPAS đã, đang và sẽ cùng nhau hành động, tạo nên điều mơ ước đó. Khi chúng tôi đoàn kết cùng nhau, cùng chung tay chia sẻ, không có gì là không thể.”


“Lớp học gió” tại điểm lẻ Dềnh Sang – Tiểu học Vừ A Dính, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu.


Lớp học mới sẽ sớm được dựng lên ở Dào San vì sự chung tay của NAPAS


Trường mầm non Sỉ Lở Lầu – điểm lẻ Lao Chải, xã Sỉ Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu


“Em rất thích được đến trường vì có cô giáo và các bạn”


NAPAS chung tay xóa lớp học tạm, chia sẻ trách nhiệm với xã hội và cộng đồng

Tin tức liên quan

Cổng thông tin Napas Dành cho nhà phát triển Chương trình marketing
null