Trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2022" diễn ra tại khách sạn Lotte ( Hà Nội), ngày 17/6/2022, dưới sự chỉ đạo nội dung từ Ngân hàng nhà nước (NHNN), Báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán (NHNN), Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức hội thảo "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt".
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành: NHNN, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính. Về phía NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng tham dự và phát biểu tại Hội thảo. Bên cạnh đó còn có lãnh đạo Vụ Truyền thông, Vụ Thanh toán, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, Napas, đại diện một số ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức thẻ quốc tế và một số công ty công nghệ…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá cao những kết quả mà Chương trình "Ngày không dùng tiền mặt" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với NHNN thực hiện hơn 04 năm qua. Những sáng kiến, hoạt động của Chương trình đã góp phần tích cực giúp nhận thức và thu hút người dân sử dụng nhiều hơn các hình thức TTKDTM trong các giao dịch thường ngày, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam.
Thời gian qua, NHNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế. Đồng thời, ngành Ngân hàng cũng chú trọng nâng cấp hệ thống, mở rộng dịch vụ, tính năng của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, đảm bảo các hạ tầng toàn ngành này hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, đảm bảo kết nối liên thông giữa các ngân hàng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không ngừng đầu tư hạ tầng công nghệ, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 nhằm gia tăng tiện ích, trải nghiệm và đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh với nhiều chương trình có sức lan tỏa trong xã hội như "Tiền khéo tiền khôn", "Tay hòm chìa khóa"…nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng, qua đó góp phần thúc đẩy TTKDTM, tài chính toàn diện.
Với sự kết hợp nhiều giải pháp, TTKDTM đã tăng trưởng mạnh mẽ. Đến tháng 4/2022, giao dịch TTKDTM tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán (TKTT) đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Trong suốt hành trình 4 năm của chương trình "Ngày không tiền mặt", NAPAS đã luôn đồng hành và mang đến nhiều phương thức TTKDTM hiện đại và tiên tiến. Theo đó, NAPAS với vai trò là đơn vị thực hiện chuyển mạch Quốc gia đã luôn nỗ lực trong việc kết nối và mang đến các phương thức thanh toán mới góp phần thúc đẩy quá trình Chuyển đổi số từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đặc biệt là các khu vực nông thôn.
Tại buổi Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Hùng chia sẻ: "Tháng 5 năm 2021 Napas đã ra mắt mã tiêu chuẩn VietQR, theo đó người dân có thể tự sinh ra mã và hiện giờ thì nhiều các cửa hàng, các quán cà phê đều có mã này và chỉ cần quét mã thanh toán để thực hiện. Chúng tôi cũng hợp tác với đơn vị nhà mạng để triển khai và cũng hy vọng 3 hướng hợp tác gồm hoàn thiện hạ tầng thanh toán, liên thông các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho khu vực nông thôn, thúc đẩy thanh toán thẻ nội địa đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa, thúc đẩy thanh toán bằng quét mã VietQR từ đó góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn."".
Theo đó, VietQR sẽ không chỉ là mã QR liên thông thanh toán mà còn là mã QR cá nhân. Bất cứ ai cũng có thể chủ động tự sinh ra mã, phù hợp với các hộ Kinh doanh cá nhân, từ nhỏ đến siêu nhỏ như các cửa hàng, các quán cà phê...
Trong thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục đồng hành cùng các Ngân hàng thương mại phát triển thẻ tín dụng nội địa và thanh toán không tiền mặt tại các vùng nông thôn. Từ năm 2020, NAPAS đã đẩy mạnh cấp thẻ tín dụng nội địa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận vốn ngân hàng và tránh xa tín dụng đen, góp phần đảm bảo đời sống, an sinh xã hội.
Ngoài ra, dự kiến trong Quý 3, NAPAS sẽ kết nối liên thông giữa tài khoản ngân hàng với tài khoản Mobile money với một nhà mạng đầu tiên; Đồng thời, tích cực phối hợp với các ban ngành nhằm triển khai thanh toán qua tài khoản trong cổng Dịch vụ công Quốc gia thông qua quét mã VietQR. Từ đó, ông Hùng nhấn mạnh vai trò của điện thoại thông minh trong công cuộc chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt như mở tài khoản NH, tài khoản Mobile money
Cũng trong khuôn khổ chương trình, tại khu vực Triển lãm, gian hàng NAPAS mang đến cơ hội tham quan và trải nghiệm các phương thức thanh toán không tiền mặt hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay như thanh toán contactless, thanh toán bằng mã VietQR, thanh toán di động... Hoạt động này đã thu hút rất đông khách hàng, người tham quan đến trải nghiệm. Nhiều phần quà thú vị đã được trao đi, đó là những chiếc bình giữ nhiệt tiện dụng hay tấm thẻ in mã VietQR siêu tiện lợi.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp, chuỗi sự kiện "Ngày không tiền mặt" được tổ chức với sự đồng hành của NAPAS phối hợp với báo Tuổi Trẻ. Hội thảo lần này một lần nữa đã khẳng định vai trò của NAPAS nói riêng và việc chuyển đổi số trong thanh toán không tiền mặt nói chung đối với đời sống xã hội. Theo đó, NAPAS là đơn vị kết nối các ngân hàng, đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán, các doanh nghiệp với người dân bằng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích nhằm hiện thực hóa mục tiêu gia tăng trải nghiệm cho người dùng, nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh doanh và thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia.
Tổng kết Hội thảo "Ngày không tiền mặt 2022", NHNN đã chỉ đạo 5 nội dung chính để thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp như: tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy TTKDTM; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án TTKDTM giai đoạn 2021-2025…; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Về định hướng truyền thông thời gian tới, NHNN cho biết sẽ triển khai công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao sự minh bạch hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu hoạt động thông tin của NHNN và thực hiện các cam kết quốc tế.
----------------------------
Chuỗi sự kiện "Ngày không tiền mặt 2022" sẽ tiếp tục được diễn ra với nhiều hoạt động thú vị như Cuộc thi Dance Cover, giải chạy bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội; và Chuyến xe không tiền mặt từ Bắc vào Nam (từ 19/6 – 3/7/2022); phiên chợ "Ngày không tiền mặt" ngày 10/7 tại KCX Tân Thuận (Q7 – HCM); và mini-show tại các điểm dừng: phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, HN (19/6); Công viên bờ Cầu Rồng, Đà Nẵng (26/6) và Công viên Văn Lang, Q5, HCM (3/7).
Hoạt động này nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người dân về các vấn đề thanh toán không tiền mặt, từ đó thay đổi rất nhiều thói quen trong phong cách sống và làm việc.