Chiều ngày 21/5/2024, tại hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” do báo Lao động phối hợp với Vụ Thanh toán NHNN và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức, ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc NAPAS đã có bài trình bày về chủ đề “Thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam”. Thông tin chia sẻ liên quan đến các vấn đề về thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam, trong đó làm rõ vai trò, tiềm năng to lớn của thẻ tín dụng nội địa (thẻ NAPAS), cũng như kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển thẻ nội địa ở một số quốc gia trong khu vực.
Mở đầu, ông Minh đã chia sẻ về tổng quan thị trường thẻ tín dụng Việt Nam. Theo dữ liệu Hiệp hội Thẻ Việt Nam năm 2023, thị trường đã có hơn 133 triệu thẻ đang lưu hành. Tổng doanh số sử dụng của thẻ năm 2023 đạt khoảng 3,7 tỷ đồng, trong đó tổng doanh số thanh toán khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và doanh số giao dịch rút tiền khoảng 2,2 triệu tỷ đồng.
Tính riêng về thẻ tín dụng, so với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, số lượng thẻ tín dụng phát hành trên thị trường Việt Nam còn tương đối khiêm tốn, đạt khoảng 11 triệu thẻ và phủ 4% dân số (2022). Trong khi đó, độ phủ của thẻ tín dụng của các quốc gia như Thái Lan là 11%, Trung Quốc là 22%, Malaysia là 23%, Singapore là 51% dân số.
Lãnh đạo NAPAS cũng thông tin thêm, tính đến hết năm 2023, số lượng thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng, công ty tài chính triển khai đạt khoảng 860 nghìn thẻ. Mặc dù doanh số thẻ tín dụng NAPAS năm 2023 tăng trưởng hơn 234% so với năm 2022, nhưng mới chỉ đạt 0,5% - 0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường.
Ông Minh đánh giá thẻ tín dụng NAPAS còn có dư địa phát triển lớn trong thời gian tới.
Nói về ưu điểm, Tổng Giám đốc NAPAS kỳ vọng thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng cũng như hạn chế vấn nạn tín dụng đen. Thẻ tín dụng nội địa có đầy đủ tính năng như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45 đến 55 ngày..., không chỉ thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước, thanh toán trực tuyến (online) mà còn sử dụng thanh toán/ rút tiền ở một số quốc gia. Ngoài ra, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp. Thẻ tín dụng nội địa còn là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, đặc biệt trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.
Không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, thẻ tín dụng nội địa còn mang lại lợi ích cho các tổ chức phát hành và tổ chức thanh toán. Với mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy thị trường, NAPAS đã xây dựng biểu phí minh bạch, rõ ràng nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia, trong đó biểu phí của NAPAS chỉ quy định phí dịch vụ với mỗi giao dịch và phí chia sẻ (do ngân hàng thanh toán trả cho ngân hàng phát hành), mức phí chia sẻ phù hợp với lợi ích của các bên. Trên cơ sở mức phí thấp, phù hợp nói trên, các đơn vị phát hành sẽ có điều kiện giảm chi phí phát hành thẻ tín dụng nội địa cũng như mở rộng thêm các đối tượng khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng.
Không chỉ về tính năng, NAPAS liên tục cập nhật ứng dụng các công nghệ thanh toán mới cho thẻ tín dụng nội địa nhằm phát huy tính tiện lợi trong việc sử dụng thẻ cho người dùng cuối. Trong năm 2023, NAPAS đã triển khai giải pháp số hóa thiết bị chấp nhận thanh toán, cho phép biến thiết bị di động thành thiết bị thanh toán (Tap to phone). Trong thời gian sắp tới NAPAS sẽ tiếp tục hoàn thành triển khai ra mắt giải pháp số hóa thẻ và thanh toán trên thiết bị do động (Tap to pay).
Cũng tại hội thảo, Tổng Giám đốc NAPAS cũng chia sẻ những thông tin hữu ích liên quan đến kinh nghiệm quốc tế về triển khai thẻ nội địa ở một số quốc gia.
Theo ghi nhận, mạng lưới chấp nhận thẻ tại một số quốc gia đều cao hơn Việt Nam. Theo đó, tính trên 100 dân thì Việt Nam mới chỉ có 0,55 máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS); trong khi đó Trung Quốc là 2,5 máy, Malaysia là 2.3 máy; Thái Lan là 1,3 máy.
"Rõ ràng mức độ sẵn sàng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Khi số lượng thẻ phát hành cũng đã tốt thì sẽ nảy sinh vấn đề "Có thẻ thì sẽ tiêu được ở những điểm nào"", ông Minh cho biết.
Ngoài ra, liên quan đến chính sách phí, cơ quan quản lý tại một số quốc gia đã ban hành các chính sách phí cho các giao dịch thẻ nhằm quản lý và điều tiết thị trường. Một số nước đã có quy định khung chính sách, quy định mức trần về phí chiết khấu (MDR) đối với đơn vị chấp nhận thanh toán và phí chia sẻ (interchange fee) giữa các đơn vị liên quan (tổ chức phát hành, tổ chức thanh toán, tổ chức chuyển mạch thẻ, tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, tổ chức thẻ quốc tế,...) cho các bên tham gia. Còn đối với quy định tại nước ta, tổ chức thanh toán thẻ thỏa thuận về việc thu phí chiết khấu đối với đơn vị chấp nhận thanh toán, phí chia sẻ giữa các đơn vị liên quan sẽ được các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
Đề cập đến quy định cấp phép cho các đơn vị phát triển dịch vụ chấp nhận thanh toán, ông Minh cho hay: Một số nước cũng có những quy định cho phép tổ chức phi ngân hàng được cung cấp dịch vụ phát triển đơn vị chấp nhận thanh toán và có trách nhiệm như của tổ chức thanh toán, ngoại trừ việc mở tài khoản cho đơn vị chấp nhận thanh toán. Các nước hiện đang triển khai quy định trên như Malaysia, Singpapore, Thái Lan, Philippines,... Như quy định tại Việt Nam, các ngân hàng sẽ hợp tác với các bên thứ 3 để các đơn vị này triển khai phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán đến các merchant, theo mô hình đại lý phát triển điểm chấp nhận thanh toán.
Qua ghi nhận từ việc triển khai phát triển thị trường thẻ của một số quốc gia nói trên, Tổng Giám đốc NAPAS nhận định Cơ quan nhà nước/ Ngân hàng trung ương tại một số quốc gia có vai trò quan trọng khi đưa ra chính sách, quy định để thúc đẩy hoạt động thanh toán thẻ. Mục tiêu nhằm hướng tới đảm bảo sự minh bạch, công bằng giữa các bên, cũng như tạo sự cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức phi ngân hàng có thể tham gia.
Với những thông tin hữu ích chia sẻ tại hội thảo, Tổng Giám đốc NAPAS khẳng định NAPAS sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên để chung tay thúc đẩy phát triển thẻ tín dụng nội địa, góp phần phát triển thị trường thanh toán và hỗ trợ thực hiện mục tiêu quan trọng về chuyển đổi số theo chủ trương của Chính phủ và ngành Ngân hàng.