Điều khoản sử dụng

Ngày 7/12/2023, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy và Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức “Hội thảo Ngân hàng mở/ Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở”. Đây là sự kiện quy mô lớn đầu tiên quy tụ những định chế tài chính lớn và fintech tiên phong trong xu hướng Ngân hàng mở tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của Phó Thống đốc NHNN – ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN – ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN – ông Đoàn Thanh Hải; Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Trần Quang Hưng, Chủ tịch NAPAS – ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc NAPAS – ông Nguyễn Quang Minh cùng đại diện lãnh đạo các Ngân hàng, công ty Fintech. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của ông Akira Yamagami, Chuyên gia Tư vấn Công ty NTT Data của Nhật Bản.

Đặc biệt, hội thảo đã thu hút hơn 200 các đại biểu, diễn giả là đại diện lãnh đạo các ngân hàng, công ty Fintech, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cùng các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự đưa tin.

Xu hướng Ngân hàng mở và chuyển dịch trạng thái kinh doanh từ đóng sang mở

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh vai trò của Chuyển đổi số giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách hợp lý hóa và tự động hóa các quy trình, đồng thời cải thiện khả năng sẵn sàng cho tương lai cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và cải thiện chất lượng dịch vụ trong một hệ sinh thái đang thay đổi nhanh chóng.

Theo Phó Thống đốc, một trong những công nghệ đột phá gắn với CMCN 4.0 cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo. Ngân hàng mở/ Open Banking - Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

"Thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng." Phó Thống đốc cho biết.

Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở- Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Hội thảo

Trong phiên tham luận của hội thảo, các diễn giả cũng đã chia sẻ nhiều nội dung xoay quanh xu hướng của ngân hàng mở và kinh nghiệm thực tiễn ở một số quốc gia trên thế giới.

Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở- Ảnh 2.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu tại Hội thảo

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết: 72,3% tổ chức tín dụng (TCTC) đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó 47,6% đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối. Khoảng 65% các tổ chức tín dụng (TCTD) sẵn sàng triển khai Open API, trong đó trên 30% TCTD có mức độ sẵn sàng cao đối với Open API. Nhiều TCTD đã xây dựng các API cho phép các bên thứ ba kết nối, triển khai API Portal để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng. Bên cạnh đó, nhiều nhà cung cấp giải pháp ứng dụng open API như: Open API Connect của IBM, WS02 open source, APIGee của Google, Open API Connect của IBM.

Tuy nhiên, việc quản trị dữ liệu còn tồn tại câu chuyện phân quyền truy cập, xử lý dữ liệu và kiểm soát việc tiếp cận, xử lý dữ liệu đúng thẩm quyền, đúng mục đích. Ngoài ra, vấn đề an toàn bảo mật đòi hỏi sự tương thích hạ tầng công nghệ, cơ chế bảo mật an toàn thông tin giữa các ngân hàng với bên thứ ba; nguy cơ lộ, lọt dữ liệu, thông tin khách hàng hay như xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ tấn công hệ thống thông tin hoặc nền tảng dùng chung...

Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở- Ảnh 3.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại hội thảo

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT & TT) đánh giá: Rủi ro trước mắt với mô hình Ngân hàng mở/ là chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn an ninh, an toàn thông tin chung. Thời gian tới, Cục An toàn Thông tin (Bộ TT & TT) sẽ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (NHNN) để tăng cường thực thi các quy định an toàn thông tin ngân hàng chặt chẽ hơn, qua đó tăng cường bảo đảm an toàn các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt khi xây dựng, triển khai ngân hàng mở.

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế triển khai ngân hàng mở, Chuyên gia Tư vấn Công ty NTT Data Nhật Bản, ông Akira Yamagami cũng cho biết: Ngân hàng mở đã được triển khai mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Nhật bản,.... Tuy nhiên, hạn chế của Nhật bản là số lượng nhà cung cấp API chỉ bằng ½ so với Anh và không có sự tăng trưởng đáng kể. Trong khi đó, mặc dù có hơn 7 triệu người đăng ký sử dụng dịch vụ, Anh cũng gặp khó khăn để duy trì vị thế hàng đầu tại Châu Âu trong việc triển khai ngân hàng mở. Còn Mỹ đã thành công với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính và API.

Qua đó, ông Akia Yamagami cũng đề xuất Việt Nam cần chuẩn hóa API để thúc đẩy chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở như ở Mỹ.

Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở- Ảnh 4.

Ông Akira Yamagami, Chuyên gia Tư vấn Công ty NTT Data Nhật Bản phát biểu tại hội thảo

Sự cần thiết ban hành tiêu chuẩn chung Open API

Trong khuôn khổ chương trình, đa số các đại biểu, diễn giả, khách mời tham dự đã đồng tình khi được hỏi ý kiến về "Sự cần thiết phải ban hành chuẩn chung Open API tại Việt Nam".

Nhận định về vấn đề này, theo Ông Đoàn Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN), mô hình ngân hàng mở hoạt động dựa trên nền tảng API mở để kết nối với nhiều bên nên việc mỗi bên đang có tiêu chuẩn riêng về kết nối, nền tảng công nghệ lõi để cung cấp dịch vụ đã khiến các hợp tác đan chéo, tốn nguồn lực và chi phí.

"Để triển khai hiệu quả ngân hàng mở cần có tiêu chuẩn chung về kết nối, cho phép chia sẻ dữ liệu ngân hàng mở của khách hàng gồm thông tin khách hàng, thông tin giao dịch, số dư tài khoản khách hàng, điểm tín nhiệm tài chính của khách hàng…", ông Hải chia sẻ.

Thực tế, vấn đề đặt ra khi xây dựng tiêu chuẩn Open API trong ngành ngân hàng đã được NHNN đánh giá từ lâu và đã được đưa vào kế hoạch để thực hiện. NHNN đã có bản dự thảo và gửi xin ý kiến của các tổ chức tín dụng lần một. Theo ông Hải, Ngân hàng mở cần tương tác nhiều phía nên việc xây dựng tiêu chuẩn chung Open API để các tổ chức và cá nhân liên quan có thể dễ dàng kết nối và tiết kiệm chi phí là sự phát triển theo quy luật khách quan.

Về phía đại diện NAPAS, Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc cũng cho rằng việc ban hành bộ quy tắc chung cho thị trường sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như có mặt bằng chung cho các bên tham gia cung ứng dịch vụ. Open API không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Open Banking mà mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế và tài chính. Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành công nghệ tài chính (fintech), tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistics, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân.

Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) phát biểu tại hội thảo

"Tôi nghĩ sự kết nối này đem lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, cho các chủ thể tham gia Open Banking và tiến tới Open Data. Tôi nghĩ nhìn nhận tổng thể như vậy sẽ đưa sự phát triển của Open Banking vào định hướng phát triển của nền kinh tế số của Chính phủ", ông Long nói.

Ông Long cũng bày tỏ sự tin tưởng xu hướng Open Banking sẽ được chuẩn hóa về mặt kỹ thuật, cơ sở pháp lý trong thời gian tới, đặc biệt dưới sự định hướng của NHNN, sự quan tâm của ngành Ngân hàng nói chung. Trong đó, NHNN sẽ đưa ra thông tư, hướng dẫn để các ngân hàng, các bên thứ ba có cơ sở đẩy mạnh dịch vụ Open Banking cho khách hàng. Trong thời gian tới, các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như NAPAS đã sẵn sàng chuẩn bị hệ thống công nghệ, sản phẩm dịch vụ để hỗ trợ các ngân hàng và các bên thứ ba chuyển dịch mô hình kinh doanh theo xu thế phát triển Open Banking.

Cũng theo khảo sát lấy ý kiến đại diện các ngân hàng, trung gian thanh toán tham dự hội nghị, có 53% cam kết thúc đẩy phát triển Open API ngay trong năm 2024 và 30% có kế hoạch đẩy mạnh Open API trong vòng 2 năm tới.

Tin tức liên quan

Tin tức - Sự kiện

NAPAS tham gia Ngày chuyển đổi số

25/04/2024 18:32

Tin tức - Sự kiện

NAPAS tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2024

05/04/2024 11:28

Cổng thông tin Napas Dành cho nhà phát triển Chương trình marketing
null