Điều khoản sử dụng

Tối 28/10/2021, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm livestream “Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi trong mùa giãn cách”. Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi Trẻ, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã tham gia tọa đàm, cùng các diễn giả khác gồm có ông Lê Hải Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) và ông Phạm Đức Duy – Giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank.

Thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến

Trong những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển mạnh mẽ và trở nên quen thuộc hơn với nhiều người dân Việt Nam. Mọi người đã bắt đầu sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi chi tiêu sinh hoạt hàng ngày như thanh toán hóa đơn ở các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng ăn uống, hóa đơn điện, nước, internet…

Đặc biệt, khi dịch covid-19 bùng phát gần đây, 19 tỉnh, thành phía Nam phải áp dụng biên pháp "ai ở đâu ở yên đó" thì không tiền mặt đã lên ngôi và trở thành phương thức thanh toán chính. Để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh, những người lớn tuổi và các đối tượng tiêu dùng vốn chỉ trung thành với cách mua hàng và thanh toán truyền thống cũng đã chuyển sang sử dụng hình thức thanh toán điện tử, chuyển khoản để mua thực phẩm và hàng thiếu yếu.

Trước băn khoăn về việc thanh toán không dùng tiền mặt có còn giữ được vị trí dẫn đầu trong các phương thức thanh toán trong tương lai, tọa đàm "Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi trong mùa giãn cách" đã tập trung thảo luận các vấn đề về thói quen thanh toán của người dân trong và sau mùa dịch, cũng như xu hướng thanh toán trong tương lai.

Theo nhận định của ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), khi đại dịch Covid xảy ra, có những giai đoạn, người dân không còn phương thức gì khác ngoài mua sắm trực tuyến. Do Covid lây qua đường tiếp xúc trực tiếp, nên mọi người nhận thấy rủi ro khi trả tiền mặt, vì thế đã chuyển sang thanh toán không tiếp xúc, không dùng tiền mặt. Thông thường chỉ cần 21 ngày là một người có thể hình thành thói quen mới, trong khi dịch covid-19 kéo dài gần 2 năm qua là đủ dài để mọi người quen với thanh toán không dùng tiền mặt, ông Bình nhận định.

 

Cũng theo ông Bình, những năm gần đây, tốc độ phát triển của ngành giao nhận rất tốt. Trong năm 2020, tốc độ phát triển của ngành giao nhận tăng 47% so với 2019. Đợt dịch Covid lần thứ 4 vừa qua, tỷ lệ khách hàng chọn giao hàng thay cho mua bán trực tiếp tăng từ 35% lên 68%. Thói quen này sẽ được duy trì và tiếp tục tăng lên khi thế hệ "khách hàng số" chi phối thị trường trong tương lai. Qua đó tạo cơ hội cho các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển.

 

Theo khảo sát của Visa (một công ty công nghệ thanh toán toàn cầu) tại Việt Nam mới đây cho thấy, 85% những người được hỏi cho biết, từ nay sẽ duy trì thanh toán không dùng tiền mặt, 6% nghĩ rằng không bao giờ cần dùng đến tiền mặt nữa. Việt Nam thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh. Dịch bệnh đã rút ngắn thời gian lựa chọn phương thức thanh toán của người dân và giờ đây thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến.

 

Nhiều ưu đãi và tiện ích

 

Theo ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), đến nay tại Việt Nam, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã rất phổ biến,  không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn mà cả các vùng nông thôn. Với sự phổ cập Internet, điện thoại thông minh, người dân có thể dễ dàng tiếp cận các phương thức thanh toán điện tử. Hiện tại, việc sử dụng các hình thức chuyển khoản, thông qua tài khoản ngân hàng trên điện thoại di động đã rất tiện lợi. Ngoài ra, người dân có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua sử dụng các loại thẻ thanh toán, ví điện tử…Và sắp tới đây khi mobile money (tiền di động) được các nhà mạng di động triển khai, mọi người có thể sử dụng tài khoản là chính số điện thoại di động của mình để thanh toán. Như vậy, sẽ không còn có giới hạn về mặt địa lý nữa và thanh toán không dùng tiền mặt sẽ được thực hiện toàn quốc thậm chí là xuyên biên giới.

 

Về phía NAPAS thời gian qua đã liên tục có sự cải tiến các sản phẩm, dịch vụ, để giúp cho người dân, có thể trải nghiệm, các dịch vụ thanh toán ngày càng tiện lợi hơn. Cùng với đó, NAPAS đã phát triển những dịch vụ, phương thức thanh toán mới mang đến sự tiện lợi và tăng trải nghiệm cho khách hàng. Chẳng hạn như dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã VietQR hay là thanh toán qua hình thức nhận dạng khuôn mặt (Face Pay)… ông Hùng cho biết.

 

Ông Hùng cũng dự báo, thanh toán bằng mã QR sẽ trở thành xu hướng tại Viêt Nam trong thời gian tới, nhưng không phải là phương tiện thanh toán duy nhất bởi còn có nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. NAPAS là đơn vị đã hỗ trợ các ngân hàng triển khai hình thức thanh toán thẻ, thanh toán online, thanh toán không tiếp xúc và gần đây ra mắt dịch vụ Chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR cũng là phù hợp với xu thế này.

 

Trước đây, để nhận tiền, người ta phải gửi các thông tin như số tài khoản, tên ngân hàng, chi nhánh, thì nay có thể thay bằng gửi mã QR của mình đến người trả tiền. Chuyển tiền bằng mã VietQR rất nhanh, trong khi các thao tác thực hiện ở mức tối thiểu nhất. Người dùng chỉ cần quét mã QR, sau đó cung cấp mã số xác thực là thực hiện xong giao dịch. Chuyển tiền bằng VietQR dựa trên chuẩn EMV Quốc tế, nên tất cả ngân hàng có thể sử dụng cùng dịch vụ đó. Dịch vụ chuyển nhanh Napas247 bằng mã VietQR không chỉ dành riêng cho hệ thống ngân hàng mà sẽ mở rộng ra với các trung gian thanh toán khác như ví điện tử và mobile money trong tương lai.

 

Tuy nhiên, để các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển hơn nữa, chứ không phải chỉ phổ biến trong thời kỳ đại dịch, các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nhà cung ứng các giải pháp thanh toán nên thường xuyên đưa ra những chương trình ưu đãi, khuyến mại và truyền thông… Như vậy, sẽ giúp khách hàng nhận thấy những ưu đãi, lợi ích và trải nghiệm với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó ngày càng sử dụng nhiều hơn, ông Hùng nêu giải pháp

 


Tin tức liên quan

Tin tức - Sự kiện

NAPAS tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2024

05/04/2024 11:28

Cổng thông tin Napas Dành cho nhà phát triển Chương trình marketing
null