Điều khoản sử dụng

Ngày 27/7/2021, VnExpress tổ chức Tọa đàm kinh tế “Thanh toán điện tử trong trạng thái mới, Thách thức và cơ hội”. Tọa đàm đề cập đến nhiều vấn đề xoay quanh xu hướng thanh toán điện tử, đặc biệt là sự phát triển của thanh toán điện tử, trước, trong và sau đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tham dự Tọa đàm. Cùng tham dự Tọa đàm còn có bà Phạm Châu Loan - Phó Trưởng phòng Phát triển kênh số Đối tác, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Kinh doanh, Ví điện tử Foxpay

Đại dịch Covid-19 - "chất xúc tác" thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm thay đổi cách con người vận hành cuộc sống. Bên cạnh phương thức truyền thống, khách hàng đã tiếp cận một khái niệm mới và biến nó thành một thói quen mới. Đó là mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử. Giữa một xã hội đang chuyển động không ngừng, trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế mới, thanh toán điện tử dần chiếm lĩnh một vai trò quan trọng. Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch Covid-19, khi mà con người bị hạn chế tối đa sự tiếp xúc và tương tác trực tiếp với xã hội thì mua sắm trực tuyến và thanh toán điện tử đã trở thành "cứu cánh" cho hoạt động thường nhật.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong năm 2020, thị trường thanh toán điện tử Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là có sự tăng trưởng tốt. Doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử năm 2020 tăng trưởng 14.2% so với cùng kỳ năm 2019, đạt xấp xỉ 9 triệu USD; số lượng người dùng cũng đã tăng trưởng lên đến 36.2%, tăng 12.1% so với năm 2019.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc NAPAS, thanh toán điện tử không phải là hành vi không bền vững phát sinh từ hiện tượng bất thường mà là một xu thế tất yếu của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 chính là "chất xúc tác" giúp thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, để thị trường thanh toán điện tử bùng nổ như hiện tại, chắc chắn phải nhắc đến vai trò tối trọng của hạ tầng cơ sở. Sự kết nối của hệ thống ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán đã tạo ra một nền tảng vững chắc, làm bệ phóng cho thanh toán điện tử phát triển.

Trong thời gian vừa qua, theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam(NHNN), NAPAS đã phối hợp với các ngân hàng thành viên để triển khai thẻ chip theo tiêu chuẩn cơ sở do NHNN ban hành gồm có: Thẻ chip ghi nợ nội địa, thẻ chip tín dụng nội địa và thẻ chip trả trước nội địa, từ đó tăng cường hệ sinh thái thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, NAPAS cùng với các ngân hàng ra mắt thương hiệu VietQR và chuyển nhanh Napas247 bằng mã QR để chuyển tiền, thanh toán cá nhân qua mã QR và đẩy mạnh dịch vụ thanh toán công bằng giải pháp thanh toán điện tử…

Thách thức, cơ hội và giải pháp cho thanh toán điện tử

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Kinh doanh Ví điện tử Foxpay, tại Việt Nam, việc thanh toán không dùng tiền mặt/ thanh toán điện tử đang được áp dụng chủ yếu trong hai lĩnh vực, đó là dịch vụ công (theo chủ trương của Chính phủ khi tiến hành chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số) và tiêu dùng hằng ngày. Thời điểm 2-3 năm trước, nhiều chuyên gia cho rằng, những hạn chế của thanh toán điện tử sẽ trở thành rào cản ngăn chặn thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã chứng minh, thanh toán điện tử hoàn toàn có thể trở thành động lực cho thương mại điện tử phát triển bền vững. Bên cạnh những mặt tích cực, dễ dàng nhận thấy một số tồn tại, hạn chế như: việc thanh toán không dùng tiền mặt/ thanh toán điện tử tuy phát triển, nhưng sự vận động này lại tập trung ở các thành phố lớn - nơi các hệ thống ngân hàng trải rộng, nhu cầu và xu hướng mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại hay các sàn thương mại phổ biến hơn, …

Một thực tế đang diễn ra tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... người dân chưa tiếp cận được nhiều với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, làm chậm trễ quá trình chuyển đổi số và phổ cập tài chính quốc gia.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), từ góc độ nhận định của NAPAS, việc phổ cập thanh toán không tiền mặt đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chủ yếu mang tính chất lan toả. Nó bắt nguồn từ nhu cầu giao dịch không dùng tiền mặt giữa các cá nhân từ thành thị đến nông thôn, và lan toả dựa trên sự đồng bộ hạ tầng cơ sở, sự kết nối của hệ thống ngân hàng và các công ty thanh toán trung gian.

Theo bà Phạm Châu Loan - Phó Trưởng phòng Phát triển kênh số Đối tác, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong thời gian tới, với sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống nhân hàng và các công ty thanh toán trung gian, đặc biệt là với bản chất tiện lợi và an toàn của thanh toán điện tử, thì chỉ trong một thời gian ngắn, thanh toán điện tử sẽ sớm trở thành "thói quen" thường nhật của người dân Việt Nam, dù là nông thôn hay thành thị. Để khi đại dịch thực sự qua đi, thanh toán điện tử sẽ không còn là "cứu cánh" của cuộc sống thường nhật mà thực sự trở thành một đòn bẩy để phát triển toàn diện nền kinh tế số.

Trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ ban hành, một trong số những mục tiêu được đặt ra là: Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 30% dân số… Đây là những mục tiêu có cơ sở và Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được theo đúng tiến độ đề ra - Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết.

Thanh toán điện tử và kịch bản cho tương lai

Trong thời đại của công nghiệp công nghệ, thanh toán điện tử sẽ trở thành "vũ khí" giúp kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mạnh, an toàn và bền vững. Thanh toán điện tử sẽ được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống như thương mại, y tế, giáo dục, khoa học, văn học nghệ thuật, v.v.. Người tiêu dùng lúc này cần cẩn trọng hơn, thông thái hơn nữa khi đứng trước quá nhiều lựa chọn nhà phân phối dịch vụ thanh toán điện tử. Khi lựa chọn sử dụng một sản phẩm hỗ trợ thanh toán điện tử, cần trải nghiệm và lựa chọn phương thức thanh toán điện tử tối ưu dựa trên các yếu tố như nhà cung cấp uy tín, tính bảo mật, an toàn của ứng dụng... để bảo đảm thanh toán điện tử luôn là "bệ phóng" giúp cuộc sống diễn ra theo cách tốt đẹp hơn.

 


Tin tức liên quan

Tin tức - Sự kiện

NAPAS tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2024

05/04/2024 11:28

Cổng thông tin Napas Dành cho nhà phát triển Chương trình marketing
null